Chùa Hàm Long

Chùa Hàm Long: 寺含龍
Long Hạm tự: 龍頷寺
Cổng chùa Hàm Long năm 2019
Map
Tên tựLong Hạm
Vị trí
Toạ độ21°08′43,6″B 106°06′18,7″Đ / 21,13333°B 106,1°Đ / 21.13333; 106.10000
NúiLãm Sơn
Quốc gia Việt Nam
Địa chỉThôn Thái Bảo, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Thông tin
Tôn giáoPhật giáo
Tông pháiThiền phái Trúc Lâm
Khởi lập1158[note 1]
Người sáng lậpNguyễn Minh Không
Quản lýGiáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh
(Tỉnh giáo Bắc Ninh)
Trụ trìThích Thanh Dũng[1][2]
 Cổng thông tin Phật giáo
  • x
  • t
  • s
Chùa Hàm Long trên núi Lãm Sơn, thành phố Bắc Ninh
Chùa Hàm Long trên núi Lãm Sơn, thành phố Bắc Ninh
Chùa Hàm Long
Chùa Hàm Long ở tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam.

Chùa Hàm Long (chữ Hán: 寺含龍) hay Long Hạm tự (chữ Hán: 龍頷寺) là một ngôi chùa cổ tại thôn Thái Bảo, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chùa nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 7 km về phía Đông Nam. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XII thời nhà Lý. Nhà chùa là một chốn Tổ Phật giáo từ thời Phục hưng, thuộc chi phái Liên Tông, phái Thiền tông Trúc Lâm. Hiện nay, trụ trì của nhà chùa là Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng (thế danh Nghiêm Văn Dũng), ông cũng đang là Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế GHPGVN tỉnh Bắc Ninh.[3][4]

Lịch sử

Thời phong kiến

  • Theo một số bảng giới thiệu tại chùa hiện nay thì chùa được khởi lập năm 1158 bởi Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không dưới triều vua Lý Anh Tông.[note 2] Thời phong kiến chùa nằm ở xã Lãm Sơn Dương, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Chùa được xây dựng sau chùa Dạm ở xã Lãm Sơn Trung gần đó khoảng hơn nửa thế kỷ và sau chùa Phật TíchTiên Du khoảng một thế kỷ. Tuy nhiên, xét về quy mô và diện tích lúc đó thì chùa không được to lớn như chùa Dạm và chùa Phật Tích.
  • Chùa nằm trên một khu đất có hình thể như 6 hiền sĩ hội tụ, thế tứ linh (long, ly, quy, phụng). Phía Đông NamTây Nam là hình thể của phượng châu, quy bái. Phía Tây Bắc là quy phục uy nghi một dải Thần Long rủ đầu xuống ngôi chùa, vì thế nên mới gọi tên chùa là Hàm Long. Nhưng thời Lý - Trần, chùa Hàm Long chưa có quy mô kiến trúc lớn.
  • Đến đầu thế kỷ XVIII thời Lê trung hưng, xuất hiện vị Trịnh Hòa thượng là con trai của Tấn Quang vương Trịnh Bính đến tu hành tại chùa, ngài có thế danh là Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng tự Lân Giác hiệu là Cứu Sinh, ngài là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên ở núi Yên Tử.[5] Vốn dĩ ngài là em trai của chúa Trịnh Cương và là phò mã của Thái thượng hoàng Lê Hy Tông. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa Thiền. Sau đó ngài xin triều đình cho thoát tục xuất gia, chuyển tư dinh ở huyện Thọ Xương thành chùa Liên Tông để tu hành (tức là chùa Liên Phái hiện nay).[note 3] Sau đó ngài cũng đến tu hành tại chùa Hàm Long, trong giai đoạn này chùa được trùng tu xây dựng quy mô lớn với nhiều công trình: tiền đường, tam bảo, tổ đường (nhà tổ), nhà tăng, vườn tháp,… Sinh thời, ngài sáng lập ra chi phái Liên Tông thuộc phái Thiền Trúc Lâm. Trước khi viên tịch, ngài chỉ định Thiền sư Tính Ngạn làm trụ trì chùa Hàm Long. Sau khi niết bàn (viên tịch) thì Thiền sư Như Trừng Lân Giác là vị Tổ sư thứ nhất trong số 18 vị tổ sư của chi phái Liên Tông được thờ tại chùa.
  • Tháng 2 năm 1928 (niên hiệu Bảo Đại năm thứ 2), chùa được trùng tu với công sức đóng góp của tăng ni, phật tử đến từ 21 tỉnh trong cả nước. Điều này được ghi lại trong văn bia “Trùng tu Long Hạm tự bi” dựng vào ngày tốt tháng trọng xuân (仲春) tức tháng 2 năm Mậu Thìn.[6][note 4]

Thời hiện đại

  • Năm 1951, quần thể kiến trúc của chùa đã chịu tổn thất lớn do thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của chính quyền Việt Minh. Vào giai đoạn này, khi phá chùa Dạm, tượng Nguyên phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông được gửi vào chùa Hàm Long để bảo quản.
  • Ngày 18 tháng 1 năm 1988, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 28-VH/QĐ của Bộ Văn hóa do Thứ trưởng Nông Quốc Chấn phê duyệt. Chùa được công nhận cùng đợt với một số di tích khác trên địa bàn thành phố như Văn miếu Bắc Ninh, đền thờ danh y Nguyễn Phúc Xuyên hay Lăng mộ Quận công Bùi Nguyễn Thái,...[7] Sáu năm sau, chùa được trao bằng công nhận di tích do Bộ trưởng Trần Hoàn ký.
Bằng công nhận Di tích của Bộ Văn hóa - Thông tin cấp năm 1994
  • Mãi đến thập niên 1990, dưới thời trụ trì mới Thích Thanh Dũng, chùa mới được trùng tu đáng kể:[note 5]
    • Năm 1995, ông cho trùng tu tổ đường.
    • Năm 1997, trùng tu thượng điện, tiền đường, xây lại 4 cây tháp trước cổng, 16 gian nhà khách và nhiều công trình khác.
  • Cuối năm 2000, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định thành lập Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Ninh, trường đặt trụ sở ở trong khuôn viên chùa Hàm Long.[8] Hiện nay, Thượng tọa Thích Thanh Trung đang là Hiệu trưởng của ngôi trường này.[4]
  • Năm 2007, xã Nam Sơn cùng với một số xã khác của huyện Quế Võ được cắt về thành phố Bắc Ninh nên chùa chuyển về thuộc địa phận của thành phố Bắc Ninh và giữ nguyên đến hiện nay.[9]
  • Ngày 20 tháng 3 năm 2014 (tức 20/02 năm Giáp Ngọ), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh kết hợp với Tổ đình Hàm Long tổ chức Lễ Động thổ khởi công xây dựng công trình phụ trợ cho nhà chùa gồm Tam quan nội, hồ cảnh quan, chòi nghỉ, bãi đỗ xe,... với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.[10]
  • Hàng năm, vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, nhà chùa đều tổ chức lễ hội cho đông đảo phật tử và nhân dân tham gia.

Kiến trúc

Tháp mộ cao nhất tại khu vườn tháp của nhà chùa
Nhà Tam quan mới được xây dựng

Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một số tượng Phật cổ và 14 tháp mộ cổ từ thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Trong đó có bốn pho tượng bằng đồng đặc sắc về cả thủ pháp nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng: tượng đức Phật Thích Ca cao 2,10 m; tượng A-nanCa-diếp cao 1,86 m (2 người trong số Thập đại đệ tử nổi tiếng của đức Phật); tượng Hoàng hậu Maya cao 1,58 m (mẹ của đức Phật). Các pho tượng đều được đúc đồng tại địa phương, mang thần thái rất ung dung tự tại, khiến cho mọi du khách đều cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản mỗi khi thăm viếng cảnh chùa.[7][11]

Ngoài ra, một số cặp câu đối còn lưu giữ tại chùa có thể phản ánh tâm thức Phật giáo của người dân vùng Bắc Ninh và phần nào hiểu được hành trình lịch sử mà chùa đã trải qua. Có thể kể đến một số cặp sau:

  • Ở nhà tiền đường, trên hai cột xây gạch:[12]

保嶺奇觀龍鳳龜麟鍾秀氣
含談曆史東西南北說名藍

Phiên âm:

Bảo lĩnh kỳ quan long, phượng, quy, lân chung tú khí.
Hàm đàm lịch sử đông, tây, nam, bắc thuyết danh lam.

Tạm dịch:

Núi quý kỳ quan Long, Phượng, Quy, Lân làm nên tú khí.
Bàn trong lịch sử Đông, Tây, Nam, Bắc nổi tiếng danh lam.

  • Tại hai cột đồng trụ phía trước Ly trần viện:

阮國师修真伊然佛迹
鄭覺祖救劫自在神孚

Phiên âm:

Nguyễn Quốc sư tu chân y nhiên Phật Tích.
Trịnh Giác tổ cứu kiếp tự tại Thần Phù.

Tạm dịch:

Nguyễn Minh Không Quốc sư tu hành vẫn còn dấu xưa trên chùa Phật Tích.
Trịnh Hòa thượng Giác tổ cứu đời còn lưu bóng dáng cửa Thần Phù.

  • Tại Hậu cung của Ly trần viện:

始開山於龍頷柱持鍾遇孔路國师之心法界當春而神接並域
初化盈於蓮派之禪中受戒珠安子之宗封繼措下於佛迹名篮
(男子冬; 孝靈九年造, 本邑茂材撰)

Phiên âm:

Thủy khai sơn ư Long Hạm trụ trì chung ngộ Khổng Lộ quốc sư chi tâm pháp giới đương xuân nhi thần tiếp tịnh vực.
Sơ hóa doanh ư Liên Phái chi thiền trung thụ giới, Châu An Tử chi tông phong kế thố ư Phật Tích danh lam.
(Giáp Tý đông, Hiếu Linh cửu niên tạo; bản ấp Mậu Tài soạn).

Nhốt trùng

Một điều khá đặc biệt là chùa Hàm Long được coi như một trung tâm nhốt “trùng” lớn nhất cả nước. Tương truyền, từ ngày xưa, các vị chư tăng ở đây đã có những phương pháp trấn “trùng” rất huyền bí mà hiệu quả. Người ta lưu truyền về một nơi “nhốt trùng” an toàn nhất là chùa Hàm Long.[2][13] Sở dĩ chùa Hàm Long được dân gian cho là nơi có khả năng “nhốt trùng” vì dưới thời Tổ Như Trừng, ngài thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ mà nay ta gọi là “trùng tang”, ngài đã phát tâm viết bộ kinh Thập nguyện cứu sinh để tụng trì và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh. Năm 1737, sau khi viên tịch, di sản của ngài được để lại trong 2 ngọn tháp: tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài, còn tháp bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh) chứa công phu tu tập cả đời của ngài.[5]

Quy hoạch

Nhà thủy tạ mới được xây dựng

Ngày 10 tháng 6 năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong ký phê duyệt Quyết định số 659/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi Cụm di tích Chùa Dạm - Chùa Hàm Long.[14] Căn cứ theo Quyết định đó, khu vực chùa Hàm Long được chia thành 2 phân khu bảo vệ:

  • Khu vực bảo vệ 1 rộng 0,98 ha được xác định là toàn bộ khuôn viên chùa hiện nay và khu vườn tháp cổ thời phong kiến. Với tinh thần là sẽ được giữ nguyên trạng và tu bổ, sửa chữa nhũng hư hỏng, xuống cấp nhưng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích. Một số hạng mục cần tu bổ như: Tam quan, nhà trai, hành lang nối giữa nhà Tổ với đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan và nhà Tam bảo,...
  • Khu vực bảo vệ 2 rộng 1,61 ha là khu vực tiếp giáp, phía trước chùa được quy hoạch xây dựng mới để phát huy giá trị di tích gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, bãi đỗ xe, hồ cảnh quan,... và hệ thống đường giao thông tiếp cận.

Hình ảnh

Khu vườn tháp phía trước cổng chùa
Hồ cảnh quan chùa Hàm Long 2019

Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ Căn cứ theo Bảng giới thiệu Di tích bằng chữ Quốc ngữ tại chùa thì chùa Hàm Long được khởi lập năm 1158, có tài liệu cho rằng chùa được khởi lập từ năm 1115.
  2. ^ Một số tài liệu bị nhầm lẫn thành Thiền sư Dương Không Lộ, bởi vì cả hai ông đều được phong Quốc sư của triều và đều là thiền sư tinh thông đạo pháp, y thuật.
  3. ^ Năm 1840, chùa được đổi tên thành chùa Liên Phái như ngày nay vì kiêng húy vua Thiệu Trị: Nguyễn Phúc Miên Tông.
  4. ^ Tháng trọng xuân (chữ Hán: 月仲春) tức là tháng thứ hai của mùa xuân, ở trong văn bia này ý muốn nói đến tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn (1928).
  5. ^ Căn cứ theo Bảng giới thiệu bằng chữ quốc ngữ tại chùa.

Tham khảo

  1. ^ Ngọc Hà (ngày 4 tháng 4 năm 2012). “Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tiếp nhà sư trụ trì chùa Hàm Long”. baoquangninh.com.vn. Báo Quảng Ninh. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2019.[liên kết hỏng]
  2. ^ a b Đạt Đỗ (15 tháng 5 năm 2014). “"Trùng tang" và những bí ẩn về ngôi chùa "nhốt trùng" lớn nhất Việt Nam”. giadinh.net.vn. Báo Gia đình và Xã hội. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2019.
  3. ^ “Danh sách thành viên HĐCM GHPGVN Nhiệm kỳ VIII (2017-2022)”. phatgiao.org.vn. Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. ngày 11 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2019. Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký: Hòa thượng Thích Thanh Dũng
  4. ^ a b “Quyết định số 230/QĐ-HĐTS của HĐTS GHPGVN V/v chuẩn y thành phần nhân sự Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh Nhiệm kỳ VIII (2017-2022)”. vbgh.vn. Hà Nội: Cơ sở dữ liệu số Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 19 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2019.
  5. ^ a b “Truyền kỳ về Thiền sư Như Trừng Lân Giác - vị hòa thượng viết bộ kinh "Thập nguyện cứu sinh"”. phatgiao.org.vn. Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 29 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2019.
  6. ^ Nguyễn Quang Khải (28 tháng 3 năm 2019). “Chùa Hàm Long với những kiệt tác về hoành phi, câu đối”. skhdt.bacninh.gov.vn. Sở Nội vụ Bắc Ninh. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2019. Văn bia “Trùng tu Long Hạm tự bi” dựng vào ngày tốt tháng Trọng Xuân năm Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại thứ 2 (tháng 2/1928), chúng ta biết được tình hình công đức của Phật tử 21 tỉnh, TP trong lần trùng tu chùa vào năm 1928.
  7. ^ a b Nguyễn Thị Nga (ngày 7 tháng 12 năm 2015). “Danh sách di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Ninh”. tpbacninh.bacninh.gov.vn. Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Ninh. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2019.
  8. ^ Nguyễn Quang Khải (17 tháng 7 năm 2012). “Tình hình giáo dục Tăng Ni ở Bắc Ninh xưa và nay”. www.daophatngaynay.com. Đạo Phật Ngày Nay. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2019.
  9. ^ “Nghị định số 60/2007/NĐ-CP của Chính phủ: Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh; thành lập phường Võ Cường thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh”. www.chinhphu.vn. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2019.
  10. ^ Cẩm Vân (21 tháng 3 năm 2014). “Bắc Ninh: Khởi công xây dựng công trình phụ trợ chùa Hàm Long”. phatgiao.org.vn. Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2019.
  11. ^ Hoàng Anh (3 tháng 4 năm 2011). “Viếng chùa Hàm Long”. Báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2019.
  12. ^ Nguyễn Quang Khải (ngày 4 tháng 11 năm 2011). “Những hoành phi, câu đối ở chùa Hàm Long”. www.hannom.org.vn. Viện Hán Nôm. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2019.
  13. ^ Linh Nhật (ngày 19 tháng 1 năm 2014). “Nỗi khiếp sợ mang tên trùng tang và chuyện về ngôi chùa "nhốt vong" lớn nhất Việt Nam”. anninhthudo.vn. Báo An ninh Thủ đô. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2019.
  14. ^ “Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hóa Chùa Dạm - Chùa Hàm Long, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh” (PDF). bacninh.gov.vn. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh. 14 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2019.

Liên kết ngoài

  • Thái Thịnh (24 tháng 12 năm 2010). “'Nẫng' tiền công đức 2,6 tỷ đồng của nhà chùa”. Báo điện tử VnExpress. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2019.
  • Đoàn Thế Cường (16 tháng 10 năm 2012). “Bị ghi hình khi vào chùa Hàm Long đánh cắp cổ vật”. dantri.com.vn. Báo Dân trí. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2019.
  • P.A. (17 tháng 10 năm 2012). “Điều tra vụ trộm cổ vật ở chùa Hàm Long”. cand.com.vn. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2019.